Uno

Tin tức

Trang chủ / Tin tức

Doanh nghiệp lưu ý điều gì để xuất khẩu sang Nhật Bản hiệu quả?

Nhật Bản là thị trường khó tính nên doanh nghiệp cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng theo mùa của người dân cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố được người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng.

Mặc dù nông sản Việt Nam đang được ưa chuộng tại Nhật Bản nhưng theo các chuyên gia, đây là thị trường khó tính nên doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý đặc điểm tiêu dùng theo mùa của người dân nước sở tại. Bởi, Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt và các món ăn, đồ uống cũng yêu cầu phù hợp với điều kiện về mùa. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố được người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng.

Theo các chuyên gia, sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có khá nhiều nhưng chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt, chưa mở rộng đến các kênh phân phối lớn để tiếp cận người bản địa.

Ngoài ra, nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ ưu tiên nhập sản phẩm và phân phối dưới tên thương hiệu Nhật Bản cũng như yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng.

Đáng lưu ý, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.

Ông Kazaoka Takao, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khối thu mua của AEON Việt Nam chia sẻ, AEON luôn nỗ lực triển khai nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bằng các hoạt động kết nối cung cầu, xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại của Tập đoàn AEON Nhật Bản cũng như công ty thành viên tại Việt Nam.

Đặc biệt, thị hiếu khách hàng có nhiều thay đổi sau dịch COVID-19 nên doanh nghiệp cần lưu ý hướng tới sản phẩm phục vụ xu hướng sống khỏe để gia tăng xuất khẩu.

Để các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường đạt hiệu quả cao, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đề xuất Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển nông sản xuất khẩu.

Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.

Về phía doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng; hợp tác với đối tác để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.

Không những thế, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt – bán đoạn mà cần tiếp tục theo dõi phản hồi từ thị trường nhằm tránh rủi ro để đảm bảo uy tín thương hiệu sản phẩm./.

(Nguồn: BNews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *